[ad_1]
Ngày 18-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp nghe các đơn vị báo cáo 2 năm rưỡi thực hiện Chương trình giảm ngập nước; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020. Đây là 2 trong 7 chương trình đột phá của TP.
Cần một “nhạc trưởng” chống ngập
Báo cáo về chương trình giảm ngập nước, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập), cho biết đối với chỉ tiêu giải quyết ngập do mưa và do triều thì đến năm 2020 có khả năng hoàn thành nhưng chỉ tiêu xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải lại khó khả thi.
Cụ thể, từ năm 2016-2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa. Trong năm 2018 đang triển khai các dự án để giải quyết 7 tuyến đường khác. Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập. “Hiện nay, các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Còn 5/9 điểm ngập do triều sẽ giải quyết theo đúng kế hoạch đề ra” – ông Dũng khẳng định.
TP HCM đang rà soát quỹ đất công để đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang và phát triển đô thị thông qua các hợp đồng BTẢnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với các công trình chống ngập, ông Dũng thông tin nguồn vốn ảnh hưởng đến công tác này của TP trong hơn 2 năm qua. Theo ông Dũng, từ đầu nhiệm kỳ tổng số vốn dự kiến cho chống ngập khoảng hơn 73.000 tỉ đồng, trong đó có giải pháp là thực hiện dự án bằng các hợp đồng PPP. “Tuy nhiên, đến nay vốn ngân sách của TP, của trung ương chỉ huy động được hơn 26.800 tỉ đồng. Việc sắp xếp lại các dự án theo hình thức BT, hợp đồng PPP cũng dẫn đến một số khó khăn về vốn” – ông Dũng phân tích.
Ông Dũng dẫn chứng một số dự án chống ngập chậm tiến độ, trong đó có dự án xây dựng hệ thống cống kiểm soát triều với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, vừa rồi phải dừng do chậm được giải ngân vốn nên không thể hoàn thành theo kế hoạch dịp 30-4 năm nay mà phải dời qua năm sau.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói ngay từ đầu nhiệm kỳ, TP đã đặt ra mục tiêu chống ngập với 5 nhóm giải pháp: nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; giải quyết tình trạng ngăn dòng chảy; các công trình chống ngập; ứng dụng khoa học công nghệ và vận động nhân dân, giám sát cộng đồng. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP đề nghị Trung tâm Chống ngập cùng các sở, ngành phải bám sát vào các giải pháp này để đánh giá lại hiệu quả chống ngập trong nửa nhiệm kỳ qua. “Việc chống ngập phải có một nhạc trưởng để điều hành, chứ không thể làm lẻ tẻ, mạnh ai nấy làm, nhất là trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch” – ông Phong yêu cầu.
Chỉnh trang đô thị gặp khó
Về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Trần Kiên cho hay hiện trên địa bàn TP có 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch thuộc 61 dự án, được phân loại thành 3 nhóm dự án. Nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách có 52 dự án, quy mô di dời 13.827 căn; dự kiến tổng kinh phí bồi thường 21.518 tỉ đồng. Nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP có 6 dự án, quy mô di dời 6.223 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường 19.023,7 tỉ đồng.
Đối với nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị có 3 dự án được các nhà đầu tư thỏa thuận bồi thường được 16,86/34,75 ha nhưng còn dở dang, quy mô di dời còn lại là 1.801 căn. Dự kiến tổng kinh phí bồi thường 2.702 tỉ đồng, được thực hiện bằng vốn doanh nghiệp.
Theo Sở Xây dựng TP, khó khăn về nguồn vốn đầu tư là rất lớn. “Trước đây, Chương trình nâng cấp đô thị TP chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Trong khi đó, tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017-2020 nên việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ bị cắt giảm” – Sở Xây dựng TP phân tích.
Sở Xây dựng TP cũng cho rằng tuy TP đã đẩy mạnh xã hội hóa nhưng thực tế cho thấy việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cũng gặp không ít khó khăn khi không có nhiều quỹ đất công có giá trị lớn để thực hiện các dự án theo hợp đồng BT. Ngoài ra, các dự án chỉnh trang đô thị chưa nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư.
Hơn nữa, các dự án chỉnh trang đô thị vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu nên không có nhiều nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm. Để đẩy nhanh tiến độ chương trình, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính rà soát quỹ đất công hiện có. Về phía sở sẽ xây dựng, ban hành kế hoạch riêng về thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị của từng quận – huyện.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Xây dựng TP xác định những mặt được và chưa được để đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới; đồng thời tính toán những vấn đề phát sinh mới để có giải pháp thực hiện. Đối với việc tái định cư và bồi thường giải phóng mặt bằng nhà trên và ven kênh, rạch không có cơ sở pháp lý rõ ràng, ông Phong yêu cầu các sở – ngành, quận – huyện vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý; tính toán đồng bộ việc bố trí tái định cư. “Việc di dời nhà ở ven kênh rạch phải đồng bộ với việc ổn định đời sống của người dân” – ông Phong nhấn mạnh.
Nam Phong Sài Gòn
Block "lien-he-footer" not found