[ad_1]
Ngày 13/8 tại phiên giải trình về việc quản lý dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, các đại biểu đã chỉ ra nhiều chủ đầu tư dự án liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch để lợi dụng, chậm đưa đất dự án vào triển khai, vi phạm Luật đất đai. Đơn cử lô “đất vàng” tọa lạc tại 22-24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) được UBND TP. Hà Nội giao cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ năm 2004, nhưng đến nay sau nhiều lần đề nghị điều chỉnh quy hoạch, dự án vẫn “đắp chiếu” và không có bất cứ dấu hiệu gì của việc xây dựng.
Tổng diện tích lô “đất vàng” này khoảng 4.000m2 nằm giữa nội đô có hai mặt tiền đường Hàng Bài, và Hai Bà Trưng, cách Hồ Gươm không xa đang được quây tôn kín mít.
Trước đó, chủ đầu tư xin xây dựng công trình hỗn hợp nhà ở 12 tầng để bán nhưng không được chấp thuận do quy định giới hạn về chiều cao nội đô. Sau đó, Tân Hoàng Minh đã xin chuyển xây theo phương án cũ đã được phê duyệt là 8 tầng và sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao thay vì khu căn hộ cao cấp.
“Hiện nay thành phố cũng đang thiếu trầm trọng khách sạn nên cũng ủng hộ chủ trương này. Chủ đầu tư đang hoàn thiện thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết. Thành phố cũng sẽ thẩm định sớm để chủ đầu tư có thể thi công sớm nhất”, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết.
Cũng thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh, lô “đất vàng” 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) từng thuộc Tổng công ty Rượu Hà Nội và Dệt Kim Đông Xuân nhưng đến nay khu đất chưa triển khai.
Lô đất rộng khoảng 8.000 m2 có 3 mặt tiền trên phố Lò Đúc – Hòa Mã – Nguyễn Công Trứ. Chủ đầu tư dự định xây dựng cao ốc 33-35 tầng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai. Trong khi theo quy hoạch nhà cao tầng 4 quận nội đô lịch sử, khu vực này hạn chế nhà cao tầng.
Tại phiên giải trình, trao đổi thêm về các công trình này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với dự án 94 Lò Đúc, vừa qua thành phố đã mời chủ đầu tư là Tân Hoàng Minh, yêu cầu cam kết thực hiện đúng quy hoạch. “Thời gian qua, thành phố có điều chỉnh một việc trong khu này. Ở đây có hai trường học ở hai vị trí khác nhau. Chúng tôi yêu cầu hai trường học này phải đưa vào một điểm trường để tận dụng không gian cho trường rộng thêm. Chủ đầu tư đã hoàn thiện và cam kết trong thời gian tới sẽ đầu tư”, ông Chung nói.
Lô “đất vàng” 31-33-35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) rộng 2.200 m2 có tới 3 mặt tiền tại phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài và Vọng Đức, cách Hồ Gươm chỉ vài trăm mét. Đây cũng là một trong những lô “đất vàng” lâu nay bị quây tôn không triển khai dự án.
Theo ghi nhận của PV, lô đất được “đắp chiếu” quây tôn kín mít, bên trong là bãi đỗ của hàng chục chiếc xe ôtô, một số có lán. Người dân sinh sống gần đó phản ánh, bãi đỗ phục vụ xe của ngân hàng SHB.
Lô đất rộng khoảng 2.000 m2 này được T&T bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mua lại từ các hộ dân. Doanh nghiệp xin xây dựng văn phòng cao 13-15 tầng tại đây, nhưng vượt chiều cao tối đa được cho phép, trong khi quy hoạch khu vực này hạn chế chiều cao công trình.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, với dự án liên quan đến văn phòng và khách sạn tại đầu Lý Thường Kiệt và Hàng Bài, Tập đoàn T&T cũng sẽ triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên giải trình, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam không đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở QH&KT ông Lê Vinh khi lý giải việc nhiều khu “đất vàng” chậm triển khai: “Tôi chưa đồng tình với Giám đốc Sở QH&KT chỗ nói báo cáo của HĐND hiểu không đúng vai trò của công tác quy hoạch”, ông Nam nói. Theo ông Nam, qua giám sát, HĐND thành phố đặt vấn đề có việc chủ đầu tư các dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài việc đưa đất vào sử dụng.
“Chúng tôi có trong tay rất nhiều bằng chứng, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành này thôi, nhưng mà xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần. Mỗi lần xin điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 – 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng”, ông Nam nêu ví dụ.
Theo ông Nam, vấn đề ở đây là Sở QH&KT có tham mưu cho thành phố, đối với các chủ đầu tư cố tình chống đối thì nếu cần thiết, phải kiên quyết thu hồi. “Đó là cách đặt vấn đề của đoàn giám sát HĐND thành phố”, ông Nam khẳng định.
Tiền phong
Tây Nam Land
Block "lien-he-footer" not found