UBND Thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản đề nghị đầu tư thực hiện dự án của 4 nhà đầu tư, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn BRG, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường, Công ty TNHH Motor NA Việt Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội. Nhà đầu tư Nhật Bản là Sumitomo Corporation.
Theo đó, các nhà đầu tư Việt – Nhật đề nghị đầu tư siêu dự án này với quy mô ban đầu là 271,82 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 94.348 tỷ đồng (tương đương 4,138 tỷ USD). Trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (625,4 triệu USD). Riêng Sumitomo góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam.
Các nhà đầu tư đề xuất thành lập 5 công ty để thực hiện 5 dự án thành phần. Theo kế hoạch, dự kiến khởi công vào năm 2018, kết thúc năm 2030 có thời gian hoạt động 50 năm. Dự án thành phần số một có quy mô hơn 73 ha, sẽ thực hiện từ năm 2018 đến 2020 với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Bốn dự án thành phần còn lại sẽ lần lượt triển khai sau đó.
Dự án được đầu tư xây dựng mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, quản lý khu đô thị xanh.
Theo ý tưởng quy hoạch, thành phố thông minh sẽ được kết nối với khu trung tâm bằng tuyến đường sắt đô thị số 2, cũng đang được Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai, cùng với trục đường chính là Nhật Tân – Võ Chí Công. Khu lõi dự án là ga cuối của tuyến đường sắt số 2.
Được biết, hồi giữa năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội cùng BRG và Tập đoàn Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, đồ án quy hoạch đô thị dọc trục Nhật Tân – Nội Bài cũng đã được Hà Nội giao cho BRG làm chủ đầu tư, được chia thành 3 đoạn (trải dài từ sân bay Nội Bài đến đê tả Hồng giao với cầu Nhật Tân) được công bố giữa năm 2016 với tổng chiều dài hơn 11 km, thuộc một phần địa giới 9 xã, thị trấn của huyện Đông Anh và 3 xã của huyện Sóc Sơn.
Theo Trí thức trẻ