Theo thông tin từ ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cơ quan này vừa có văn bản kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế giao đất, cho thuê đất dưới hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Mục tiêu của các kiến nghị nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Văn bản kiến nghị trên được HoREA gửi đến Thủ tướng, Ban Kinh tế Trung ương và các bộ ngành liên quan. Trong đó, HoREA đánh giá, nguồn lực về đất đai hiện nay chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tại nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, hiệu quả thấp, cùng với đó là nạn tham nhũng, tiêu cực. Điều này cũng góp phần khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu ổn định, không lành mạnh, đặc biệt là tình trạng phổ biến các giao dịch “ngầm”…
Sau khi nêu ra các thực trạng, HoREA cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật Đất đai theo hướng hoàn thiện cơ chế xác định “giá đất cụ thể” để xác định “giá khởi điểm tài sản đấu giá, trong đó có quyền sử dụng đất” một cách hợp lý, thỏa đáng. Những động thái này giúp thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá tuy nhiên không để xảy ra tình trạng xác định giá khởi điểm quá thấp một cách bất bình thường vì theo HoREA điều này có thể gây thất thoát tài sản nhà nước.
Công tác đấu giá đất tại nhiều địa phương còn phổ biến tình trạng “giao dịch ngầm”,”đi đêm”… gây thất thoát ngân sách của nhà nước. Ảnh minh họa: Đình Phú
Đơn vị này cũng kiến nghị sửa đổi luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, theo hướng không giao cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” (tổ chức dịch vụ công về đất đai) chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, để thống nhất một đầu mối là “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” do UBND cấp tỉnh thành lập. Cơ quan này có chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất và trực thuộc Sở Tư pháp như mô hình tổ chức thực tế hiện nay tại Tp.HCM.
Đối với cơ chế kiểm soát, HoREA cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu giá tài sản. Trong đó, Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản”. Sự kiểm soát này nhằm đảm bảo cho trung tâm hoạt động trung thực, vô tư, khách quan, tránh tình trạng đấu giá “cuội”, “quân xanh, quân đỏ” khiến kết quả đấu giá bị sai lệch, có thể gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Trong văn bản kiến nghị, HoREA cũng ghi nhận từ năm 2011 đến tháng 3/2017 đã có 215 cuộc đấu giá được Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Tp.HCM tổ chức thành công. Giá khởi điểm tại các phiên là 3.211,8 tỉ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỉ đồng, chênh lệch tăng thêm 1.256 tỉ đồng, tương đương mức tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm.
Đáng chú ý nhất là phiên đấu giá mặt bằng tại số 23 Lê Duẩn (quận 1). Tại đây, 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã tham gia đấu giá. Kết quả, sau 16 vòng đấu, đơn vị trúng đấu giá được xác định là Công ty Tân Hoàng Minh. Phiên đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn có giá khởi điểm là 550 tỉ đồng, kết quả, giá trúng đấu giá là 1.460 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng đến 32,68% tổng giá trúng đấu giá của 215 cuộc đấu giá), chênh lệch tăng thêm 910 tỉ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.
Từ những ghi nhận trên, HoREA cho rằng việc thực hiện đấu giá tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất, theo hình thức đấu giá rộng rãi, công khai, để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực là phương thức đúng đắn và hiệu quả. Trên cơ sở các phiên đấu giá như vậy sẽ giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đảm bảo bán tài sản quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đạt hiệu quả cao, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.