[ad_1]
Theo phân tích của luật sư Phạm Thị Thu, trước hết, cư dân chung cư tòa 18T1 The Golden An Khánh trong vụ việc tiền sử dụng nước tăng đến 800% và “cõng” thêm phụ phí 8% như Tiền Phong đã đưa tin, cần làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp đến đơn vị cung cấp nước (Sudico) yêu cầu đơn vị này làm rõ nguyên nhân (kiểm tra đồng hồ nước) tiền nước của các hộ dân tăng đột biến, trong trường hợp đơn vị này không giải quyết hợp lý và thỏa đáng thì các cư dân làm đơn yêu cầu Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có ý kiến can thiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của cho cư dân.
Cư dân tòa 18T1 The Golden An Khánh hiện vẫn rất bức xúc vì vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng năm 2010 thì:
“Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hoạt động sau đây:
a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;
b) Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng;”
Với quy định nêu trên, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng; đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình trong trường hợp người dân yêu cầu giải quyết việc phí nước tăng cao bất thường.
Bên cạnh đó, cư dân cũng có thể trực tiếp gửi đơn khiếu nại tới cơ quan nhà nước quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phán ánh và yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì:
“2. Đơn vị giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;”
Do đó, UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận giải quyết yêu cầu của cư dân để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác liên quan.
Bên cạnh đó, luật sư Phạm Thị Thu nhận định, khi quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Cụ thể ở đây các đơn vị cung cấp nước sạch tự ý đưa ra giá cao hơn so với khung giá do Nhà nước quy định thì các cư dân gửi đơn đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và/hoặc UBND cấp huyện để yêu cầu hỗ trợ hướng dẫn và giải quyết.
Theo phản ánh của cư dân chung cư The Golden An Khánh, trong hoá đơn tiền nước hàng tháng, người dân còn phải trả thêm phụ phí lên đến 8% cho đơn vị bán nước SUDICO.
Ngoài ra, hành vi tự ý tăng giá thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà hành vi tăng giá nước mà đơn vị cung cấp nước sạch sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/09/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo đó, hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì mức phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng và cao nhất có thể lên đến 60.000.000 đồng nếu có hành vi sau:
“Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”
Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với đơn vị bán nước tự ý tăng giá quy định cụ thể tại khoản 7 Điều 13 như sau: “Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều này”.
Ngoài ra, trong vụ việc này không chỉ tiền nước sinh hoạt tăng đột biến, theo cư dân The Golden An Khánh phản ánh còn bị đơn vị cung cấp nước thu thêm 2 khoản phí bất hợp lý. Theo đó, cư dân phải đóng thêm 8% (3% phí hao tổn nước và 5% phí bảo trì hệ thống đường ống dẫn nước) trên tổng số tiền sử dụng nước hằng tháng.
Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Phạm Thị Thu cho rằng, Theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, thì:
“ Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước.”
Bên cạnh đó tại mục 2 khoản 4 Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ các công trình cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 69/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND TP Hà Nội) thì: “Hệ thống cấp nước phía sau đồng hồ tổng của đơn vị cấp nước sẽ do Nhà đầu tư hoặc Chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và bảo trì theo quy định của Luật nhà ở và các qui định của pháp luật có liên quan”
Giá tiêu thụ nước sạch được xác định theo đúng nguyên tắc, phương pháp xác định giá, đúng thẩm quyền và nằm trong khung giá hoặc giới hạn giá do Nhà nước quy định. Theo đó, đơn vị cấp nước sạch phải căn cứ khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính quy định; quy chế tính giá do Nhà nước ban hành; phải xây dựng phương án giá nước sạch báo cáo Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định, phê duyệt.
Như vậy, nếu đơn vị cung cấp nước không thực hiện theo đúng nguyên tắc xác định giá bán nước của khung giá do Nhà nước quy định thì đơn vị đó vi phạm các quy định của pháp luật. Việc phụ thu thêm hai 2 khoản phí (3% phí hao tổn nước và 5% phí bảo trì hệ thống đường ống dẫn nước) nói trên là ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trong trường hợp này khách hàng hoàn toàn có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường (nếu có) để bảo vệ quyền lợi của mình.
Hiện tại, trao đổi với Tiền Phong, tập thể cư dân Tầng 17 ĐN2 tòa 18T1 The Golden An Khánh do Công ty CP Sông Đà Hoàng Long làm chủ đầu tư cho biết, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến cư dân rất bức xúc.
Tây Nam Land
Block "lien-he-footer" not found