[ad_1]
Liên quan đến Đồ án quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC), đơn vị được giao lập Đồ án quy hoạch chi tiết cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho biết: “Trên cơ sở phương án mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất do Tư vấn Pháp ADPi lập đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, chúng tôi triển khai quy hoạch chi tiết có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Về tổng thể, tại khu phía Bắc, ADCC cơ bản giữ toàn bộ quy hoạch của ADPi trên khu vực sân golf, có điều chỉnh lại một số diện tích đất quốc phòng.
Ngoài ra, ở phía Bắc do toàn bộ là sân golf, mặt cỏ và nhiều hồ nên khả năng thoát nước tốt, thay vì bê tông hóa (sẽ giảm khả năng thoát nước), ông Tùng đề nghị xây công viên và hồ điều hòa. Tại khu vực phía Nam, ông Tùng đề nghị điều chỉnh quy mô nhà ga T3, chỉ xây dựng trên diện tích 120.000 m2 thay vì 200.000 m2 như phương án của ADPi song vẫn đảm bảo năng lực khai thác 20 triệu khách/năm.
Cùng đó, ông Tùng cũng đề xuất quy hoạch lại sân đỗ theo hướng tuyến tính để tiết kiệm diện tích đất mà không giảm số vị trí đỗ so với phương án của ADPi, đồng thời cơ bản giữ phương án đầu tư đường lăn như của ADPi.
Về hệ thống giao thông tiếp cận, Đồ án quy hoạch cơ bản thống nhất với ADPi cũng như dự án của TPHCM đồng thời đề xuất xây dựng thêm cầu vượt từ đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, qua đường Thăng Long xuống đường Phan Thúc Diện và cầu vượt từ đường C12 theo quy hoạch qua đường Cộng Hoà, Trường Chinh sang đường Lê Trọng Tấn.
Tổng số tiền mà ADCC dự kiến để triển khai quy hoạch này vào khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó nhà ga là hơn 7.600 tỷ đồng, sân đường máy bay hơn 5.200 tỷ đồng, nhà ga hàng hoá hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Con số này thấp hơn tổng chi phí dự kiến theo phương án của ADPi, khoảng hơn 35.7000 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng đồng tình với đề xuất của ADPi về việc xây nhà ga T3 trên diện tích 120.000 m2 nguyên tắc là đảm bảo 20 triệu khách/năm. Ông Thắng cũng cho rằng, mục tiêu làm quy hoạch phải bám tối đa theo phương án ADPi đã đề xuất.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận sân bay Tân Sơn Nhất luôn tồn tại song song với sân bay Long Thành. Do đó, Đồ án quy hoạch phải thực hiện hiệu quả khai thác cao nhất, ít ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng, với người dân, các cơ quan đơn vị, thể hiện tính bền vững cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Yêu cầu Tư vấn ADCC cập nhật bản vẽ thuyết minh, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định lại đồ án một lần nữa trước khi trình Bộ GTVT để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Việc xin ý kiến hoàn tất trước ngày 21/5. Đặc biệt, đồ án cần xác định rõ công trình ưu tiên đầu tư, trước hết là đường lăn, sân đỗ, nhà ga T3 và đường giao thông kết nối.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định sẽ thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty Tư vấn độc lập của Pháp ADPi.
Với phương án của ADPi tổng chi phí khoảng 36.000 tỷ đồng sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía Nam, tức phía nhà ga hiện hữu. Còn diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ nay đến năm 2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phương án này đã được thảo luận công khai minh bạch và cơ bản TPHCM đã đồng ý. Hơn nữa, phương án này đảm bảo hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT chỉ đạo ADPi phối hợp với tư vấn trong nước để hoàn thiện phương án trên cơ sở đảm bảo sử dụng đất tốt nhất cả ở phía Nam và phía Bắc, đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng, quyết liệt khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm. Đây cũng là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cho cả dân dụng lẫn quân sự và được sử dụng lâu dài cùng với sân bay Long Thành.
Nam Phong Sài Gòn
Block "lien-he-footer" not found