[ad_1]
Khảo sát thực tế một số tuyến đường lớn như Trần Văn Dư, Cộng Hòa, Út Tịch, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Phạm Văn Chiêu, Phan Văn Trị, Quang Trung (Q.Gò Vấp), Tân Kỳ Tân Qúy, Lũy Bán Bích, Âu Cơ (Q.Tân Phú)…thời điểm này cho thấy giá mặt bằng nhà phố cho thuê bị đẩy lên cao ngất ngưỡng.
Nguyên nhân được cho là quỹ đất dành cho mặt bằng thuê khan hiếm, khiến việc sở hữu mặt bằng thuê kinh doanh của tiểu thương gặp không ít khó khăn, trong khi đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến khu Tây TP.HCM ngày càng sầm uất. Vì thế, giá thuê mặt bằng hiện tại cao hơn khoảng 15 – 25% so với thời điểm cuối năm 2017, tùy vào khu vực và vị trí của nhà phố.
Cụ thể, căn nhà phố mặt tiền đường Phan Văn Trị có diện tích 80m2 giá cho thuê vào tháng 12/2017 là 17 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chủ nhà lấy lại mặt bằng và rao giá thuê 20 – 22 triệu đồng/tháng.
Cùng khu vực, căn nhà cũ 40m2 của một người dân đang rao thuê mặt bằng tầng trệt với giá 9 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng cùng diện tích, cùng khu vực thuê ở thời điểm cuối năm 2017, giá này đã tăng 2.5 triệu đồng/ tháng/căn.
Giá thuê mặt bằng kinh doanh tại quận Tân Bình ngày càng tăng cao
Giá mặt bằng nhà phố tăng cao diễn ra mạnh nhất tại các tuyến đường sầm uất của Q.Tân Bình. Đây là khu vực có lợi thế kết nối giao thông thuận tiện, đồng thời các tiện ích khu vực phát triển rõ nét nhất ở khu Tây nên sức hút của loại hình nhà mặt tiền cho thuê luôn luôn cao.
Nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thuê liên tục bị đẩy lên cao. Chẳng hạn căn nhà phố diện tích từ 100 – 300m2 tại đây có giá thuê dao động từ 18 – 40 triệu đồng/tháng (tùy tuyến đường). Mức giá này hiện tại đã tăng thấp nhất 15% so với thời điểm cuối năm 2017 ở những căn cùng diện tích.
Ông Nguyễn Xuân Phú, chủ căn nhà phố cho thuê tại Q.Gò Vấp cho biết, nhà phố mặt tiền cho thuê tăng giá mạnh nhất ở phân khúc từ 12 – 16 triệu đồng/tháng, diện tích từ 30 – 90m2. “Loại hình này luôn trong tình trạng “hết hàng” hoặc rao là có người thuê ngay. Do đó, giá thuê cũng liên tục bị đẩy lên cao từ 20 – 30% theo đợt”, ông Phú khẳng định.
Theo ghi nhận của PV, thực tế giá mặt bằng liên tục tăng và khan hiếm nguồn hàng đã khiến việc sở hữu một mặt bằng kinh doanh của tiểu thương gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Trọng Hưng, ngụ tại Q.3 không kịp khai chương cửa hàng hủ tiếu trên đường Lê Văn Sĩ, P.1, Q.Tân Bình theo dự kiến vào đầu tháng 1/2018 vì không thống nhất được giá thuê mặt bằng. Theo anh Hưng, giá thuê mặt bằng tăng cao tại khu vực khiến anh phân tâm, lựa thêm vài địa điểm nữa để cân đối tài chính.
Cùng tình cảnh, chị Nguyễn Thị Ngọc, kinh doanh trong lĩnh vực thời trang cũng gặp khó khăn khi có ý định mở rộng hệ thống cửa hàng. Chị Ngọc cho biết: “Thời điểm đầu năm 2016 việc thuê mặt bằng khá dễ dàng, hiện tại tìm một mặt bằng nhỏ, giá thuê vừa tầm thuê lại rất khó khăn. “Giá liên tục tăng ở khoảng thời gian ngắn khiến tôi phải cân nhắc lại thời điểm mở chi nhánh kinh doanh”, chị Ngọc giãi bày.
Vốn có kinh nghiệm “săn” mặt bằng thuê giá mềm, anh Lê Huy Phương, ngụ số 27/20A Nguyễn Đình Khơi, P.4, Q.Tân Bình cũng phải “ngao ngán” vì giá mặt bằng nhà phố cho thuê tại khu Tây tăng “chóng mặt” thời điểm từ cuối năm 2017 đến nay. Anh Phương cho hay: “Không chỉ mặt bằng kinh doanh tại các tuyến đường lớn tăng giá, mà tại các con hẻm giá cũng tăng mạnh. Do nhu cầu tăng cao, nguồn cung khan hiếm nên chủ mặt bằng làm giá hoặc đẩy giá lên cao khiến việc sở hữu mặt bằng thuê của tiểu thương gặp khó khăn”.
Theo ghi nhận thị trường, việc tìm mặt bằng rồi cho thuê hoặc chia nhỏ cho thuê của NĐT ở thời điểm này cũng khá gian nan. Đa số các mặt bằng khu Tây đã lên giá nên việc tìm kiếm nguồn hàng, hưởng chênh lợi nhuận của NĐT bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, đối với những NĐT đã có sẵn nguồn hàng trước đó, đây là cơ hội để “hét” giá thuê lên cao hoặc lấy lại mặt bằng để cho thuê giá cao hơn.
Theo anh Phương, mặc dù giá thuê mặt bằng tăng mạnh nhưng loại hình này vẫn luôn được thị trường tìm kiếm, săn đón.
Nam Phong Sài Gòn
Block "lien-he-footer" not found