[ad_1]
Thanh tra Bộ Tài chính vừa có văn bản kiến nghị Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội chỉ đạo đơn vị thành viên là Công ty CP Thương mại du lịch Thanh niên Hà Nội (HYT Travel) báo cáo UBND TP về việc quản lý và sử dụng khu đất 1.704,6 m2 tại số 2A Trần Thánh Tông, để có hướng xử lý.
Nhận đất rồi xẻ cho thuê
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, khu đất trên được UBND TP Hà Nội giao cho HYT Travel quản lý, sử dụng từ năm 2005. Cũng trong năm này, UBND TP Hà Nội có văn bản cho phép HYT Travel lập dự án xây dựng cơ sở giao dịch – văn phòng cho thuê, khách sạn Phương Đông.
Tuy nhiên, đến tháng 5-2007, UBND TP Hà Nội có thông báo thu hồi 1.704,6 m2 đất này giao cho Đoàn Thanh niên TP Hà Nội để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng Cung Văn hóa Thể thao thanh niên Hà Nội và CLB bơi lặn số 3 Tăng Bạt Hổ.
Đến tháng 10-2013, Đoàn Thanh niên TP Hà Nội đã trả lại dự án vì không đủ năng lực quản lý và nguồn vốn để thực hiện. Từ đó đến nay, HYT Travel vẫn không thực hiện được dự án xây dựng khách sạn Phương Đông.
Theo kết luận thanh tra, từ nhiều năm nay, HYT Travel đã cho các đơn vị, cá nhân thuê khu đất làm cửa hàng, văn phòng. Chỉ trong năm 2016, HYT Travel đã ký 14 hợp đồng và phụ lục hợp đồng, cho 5 công ty và 9 cá nhân thuê đất, tổng số tiền thu theo hợp đồng là hơn 2,9 tỉ đồng.
Không chỉ riêng ở số 2A Trần Thánh Tông, Hà Nội còn nhiều khu đất công đang bị lãng phí, như khu đất 4.000 m2 tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài, khu đất tại Lò Đúc; các khu đất thuộc dự án Thiên Niên Kỷ, Nam Đàn Plaza, Tháp Tài chính…
Trước đó, đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu rà soát, đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ các dự án có trong kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm chưa thực hiện.
Dự án Nhà ở thương mại và Trung tâm chợ Hộ Phòng, nơi nhà nước mất trắng gần 16.000 m2 đất “vàng”. Ảnh: DUY NHÂN
Giao “vàng” nhầm chỗ
Tình trạng lãng phí đất công cũng diễn ra phổ biến ở Bạc Liêu. Năm 2010, UBND tỉnh Bạc Liêu giao hơn 3,77 ha đất tại phường 1, TP Bạc Liêu cho Công ty CP Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bạc Liêu – Sài Gòn xây dựng BVĐK Bạc Liêu – Sài Gòn.
Sau khi được giao đất không thu tiền, chủ đầu tư không có vốn triển khai dự án nên chuyển nhượng cho Công ty CP Golden Dragon Corporate. Nhưng sau đó, dự án vẫn nằm trên giấy với một khu đất bỏ hoang qua nhiều năm, chủ đầu tư thì một đi không trở lại.
Một dự án khác cũng “chết lâm sàng” là khu du lịch nghỉ dưỡng Bệnh viện Quốc tế Phương Đông. Dự án này được giao đất năm 2012 với diện tích trên 9,48 ha, tọa lạc tại phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Trong đó, gần 5,3 ha không thu tiền, diện tích còn lại dành cho khu du lịch nghỉ dưỡng thì cho thuê dài hạn. Dự án có vốn đăng ký đầu tư đến 4.500 tỉ đồng. Hoành tráng là vậy nhưng sau 6 năm, dự án vẫn chưa đi đến đâu trong khi ngành chức năng vẫn loay hoay đề xuất thu hồi.
Ngoài những khu đất giao không thu tiền gây lãng phí, ở Bạc Liêu còn có những dự án được chủ đầu tư thuê rồi bỏ hoang. Cụ thể là khu đất có diện tích hơn 16.000 m2 ở phường 3, TP Bạc Liêu, sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá được quyền thuê đất thì bỏ hoang nhiều năm vì khó khăn về tài chính.
Năm 2008, UBND tỉnh Bạc Liêu ký quyết định cho Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Bắc Trung Nam (nay là Công ty TNHH Hai thành viên đầu tư Công nghiệp Bắc Trung Nam) thuê 81.640,8 m2 đất để triển khai dự án khu du lịch, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, sau khi khởi công, san lấp mặt bằng, chủ đầu tư “đắp chiếu” dự án. Mãi đến 10 năm sau, UBND tỉnh mới ban hành quyết định thu hồi khu đất. Dù vậy, việc thu hồi chỉ là trên giấy, còn phần đất thì doanh nghiệp này chưa giao lại và còn đòi bồi thường hàng chục tỉ đồng san lấp!
Mất trắng gần 16.000 m2 đất “vàng”
Năm 2014, UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận giao hơn 45.000 m2 đất tại trung tâm phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai) cho Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ Phước Vinh để xây dựng Trung tâm Thương mại và dịch vụ Hộ Phòng. Nhưng sau đó, chủ đầu tư bất ngờ xin đổi tên thành dự án Nhà ở thương mại và Trung tâm chợ Hộ Phòng. Điều lạ là đề xuất này lại được chấp thuận, bởi theo quy định thì dự án nhà ở thương mại bắt buộc phải đấu thầu.
Trong tổng số diện tích đất được giao, hơn 27.000 m2 là đất “sạch”, nhà đầu tư được giao thời hạn sử dụng (có thu tiền) là 49 năm. Trong đó, gần 16.000 m2 nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 1, tại thời điểm đó có giá từ 2-5 triệu đồng/m2. Theo tư liệu của Sở Tài chính Bạc Liêu, lúc thẩm định giá, số tiền Công ty Phước Vinh phải nộp ngân sách ước tính 70 tỉ đồng. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu, Công ty Phước Vinh chỉ phải nộp 28,8 tỉ đồng – được miễn trừ 26,7 tỉ đồng (bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Trước câu hỏi của phóng viên về cơ sở pháp lý nào cho Công ty Phước Vinh được miễn giảm hơn 90% tiền sử dụng đất như trên, một cán bộ Cục Thuế cho biết căn cứ vào Nghị định 45, 46/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Thông tư 76, 77/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính. Thế nhưng, điểm 5, điều 10 Nghị định 45 lại quy định rõ: “Không áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất theo pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”.
Hiện tại, việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án này đang tiếp tục triển khai với số tiền dự kiến ngân sách phải ứng ra là hơn 4 tỉ đồng. Như vậy, nhà nước không chỉ mất trắng gần 16.000 m2 “đất vàng” mà ngân sách còn thiệt hơn 2 tỉ đồng!
Tây Nam Land
Block "lien-he-footer" not found