Trong báo cáo mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng HSBC cho biết, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5% GDP của quốc gia và đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP từ năm 2013.
Tuy nhiên, với mô hình kinh tế tiếp tục dựa vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, rủi ro tín dụng bất động sản là vấn đề quan trọng Việt Nam cần ‘để mắt’ tới. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 17%, thấp hơn mức 18,17% đạt được năm 2017.
Với đà tăng trưởng hiện nay, HSBC khuyến cáo Việt Nam nên thận trọng với thị trường bất động sản. Ảnh minh họa
HSBC lấy dẫn chứng, thị trường bất động sản cuối những năm 2000 tăng trưởng nhanh chóng một phần do đầu cơ, dẫn đến ‘bong bóng’ bất động sản đổ vỡ vào năm 2011. Hệ lụy là bùng nổ các khoản nợ xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngân hàng và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Với đà tăng trưởng hiện nay, nhà băng này khuyến cáo Việt Nam nên thận trọng với thị trường bất động sản.
Theo HSBC, hiện tại thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển khá ổn định nhờ những chính sách hạn chế cho vay với ngành này. Năm 2016, NHNN công bố Thông tư 06, trong đó nâng hệ số rủi ro tín dụng bất động sản từ 150% lên 200% số dư của ngân hàng bắt đầu từ 2017. NHNN cũng hạ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại từ mức 60% về 50% trong năm 2017 và 40% từ 2018. Điều này giúp tín dụng ngân hàng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác hiệu quả hơn, trong đó bao gồm giao thông và viễn thông.
Thông tư 06 giúp tín dụng vào bất động sản chảy sang một số ngành khác
Đầu tháng 1 vừa qua, NHNN cũng ban hành văn bản số 563 yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế cho vay bất động sản và xây dựng; chuyển khoản cho vay sang “lĩnh vực ưu tiên” như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
HSBC đánh giá những cải cách gần đây của NHNN là tích cực, giúp các công ty uy tín phát triển, hạn chế nguy cơ xảy ra ‘bong bóng’ bất động sản.
NDH