[ad_1]
Tại TPHCM, người dân thường rất mệt mỏi với việc tìm trường công lập cho con vào những năm đầu cấp vì tình trạng quá tải trường, lớp; nhiều bệnh viện cũng quá tải, bệnh nhân phải nằm chung giường; nơi thưởng thức văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí và công viên cây xanh cho người dân đều thiếu…
Nhiều công trình, đất công tại TPHCM chưa sử dụng đúng hiệu quả, mục đích. (Ảnh minh họa: Thanh niên).
Trong khi đó, trên địa bàn thành phố nhiều trường học xây rồi bỏ trống vì không sử dụng được; nhà hát làm nơi giữ xe; công viên, trung tâm văn hóa cho thuê vào việc khác; đất quy hoạch làm bệnh viện thì hơn chục năm không xây được bỏ hoang cỏ mọc…
Cụ thể như Rạp hát Lệ Thanh A, Lệ Thanh B ở Quận 5 dùng làm nơi giữ xe; Khu trung tâm văn hóa Hòa Bình nằm trong Dự án C30 ở Quận 10 cho thuê bán cây kiểng; bệnh viện 500 giường ở Khu y tế Kỹ thuật cao tại quận Bình Tân nhà đầu tư không triển khai được do thay đổi quy hoạch, thủ tục hành chính nhà đầu tư phải chờ đợi 15 năm đất bỏ hoang cỏ mọc… Còn Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu ở Quận 6 mới xây xong đã xuống cấp không sử dụng được.
Ông Lê Tấn An, Phó Chủ tịch UBND Quận 6 cho biết, Quận 6 sẽ thuê các đơn vị tư vấn để kiểm định các công trình đã hư hỏng để xác định trách nhiệm các bên để xử lý. Sau khi kiểm định sẽ xác định phần hư hỏng, kêu gọi đầu tư và sửa chữa lại công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu.
Không chỉ vậy, thành phố rất chậm trong việc việc rà soát các quy định về giá cho thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, gây lãng phí tài sản, đất công.
Giá cho thuê nhà, đất một số nơi vẫn được áp dụng giá quy định từ năm 1994 trong khi thành phố đã có quy định giá mới từ nhiều năm nay. Việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai chưa kịp thời nên không thể quản lý, giám sát biến động tài nguyên đất từ cấp xã, phường đến thành phố.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các cơ quan chức năng cần rà soát, chấn chỉnh và xử lý việc quản lý sử dụng công trình và đất công, nhất là cho lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa.
Thành phố cũng cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực hiện cơ chế đặc thù, huy động nguồn lực từ việc tăng giá trị đất, xây dựng danh mục quỹ đất bằng ngân hàng quỹ đất, xã hội hóa đầu tư các công trình này.
TPHCM đang triển khai 1.200 dự án về lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa, thể dục thể thao. Trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường vừa rà soát thu hồi gần 50 dự án triển khai chậm và không hiệu quả.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Thành phố đã thông qua HĐND và trình Chính phủ quy hoạch hơn 7.000 ha đất cho gần 1.500 dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các công trình này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đang kiến nghị thành phố sửa một số quy định bất hợp lý trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, “Phải có sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành và các cấp, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm thu hồi những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích để lãng phí không hiệu quả”./.
Nam Phong Sài Gòn
Block "lien-he-footer" not found